Bạn đã thực sự hiểu hết về phong cách thiết kế Retro?

Phong cách thiết kế Retro đang bắt đầu được ưa chuộng trong những năm trở lại đây. Từ thời trang, nhiếp ảnh, thiết kế đồ họa…cho đến thiết kế nội thất, retro như một luồng gió mới thổi vào tâm hồn những người ưa thích sự cổ điển. Kiểu phong cách này là bậc thầy của tính thẩm mỹ. Nó là sự hòa trộn giữa thời gian và không gian, giữa nhân tạo và tự nhiên, giữa đối lập và hài hòa. 

1. Tìm hiểu chung về khái niệm Retro

1.1. Retro là gì? 

Retro là viết tắt của Retrospective - nghĩa là hồi tưởng. Retro hiểu đơn giản là sự hồi tưởng quá khứ, trở về quá khứ. Retro là một trong những xu hướng thịnh hành hiện nay. Đó là xu hướng hoài niệm, hoài cổ.

Hoài niệm không có nghĩa là lạc hậu, lỗi mốt. Đây là thuật ngữ mượn những gì trong quá khứ, từ đó làm mới lại. Thuật ngữ Retro được sử dụng từ năm 1972, nhằm mô tả lĩnh vực, mô tip, chất liệu, kỹ thuật trong quá khứ. 

1.2. Phong cách Retro là gì?

Phong cách Retro hay còn gọi là Retro Style. Đây là cụm từ chỉ việc đưa những thứ đã cũ phối kết hợp để tạo nên một xu hướng mới. Phong cách Retro được thể hiện qua các lĩnh vực như thời trang, kiến trúc, hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh,...Người ta sử dụng những gam màu, đường nét đặc trưng của những thập niên trước để tạo nên một xu thế của hiện tại. Phong cách này như thổi một luồng gió mới vào quá trình sáng tạo nghệ thuật. 

1.3. Màu retro là gì?

Retro có nhiều màu khác nhau. Gam màu chủ yếu là trung tính như kem, nâu vàng, xanh lá, xanh lam, hồng nhạt, hồng đào. Nếu trước kia các tông màu nhạt hơn, trầm hơn thì theo thời gian, các màu sắc dần trở nên tươi sáng, sắc nét hơn. Dù màu sắc có vẻ mạnh mẽ, mới mẻ nhưng lại thể hiện được đường nét hoài niệm, tạo ra một không gian xưa cũ.

1.4. Lịch sử hình thành phong cách Retro

Vào những năm 1950, phong cách Retro bắt đầu xuất hiện ở các nước Bắc Âu. Nội thất có sự thay đổi, cụ thể là: bề ngoài bóng bẩy, mảnh mai hơn; kiểu dáng hiện đại hơn. Các tấm thảm, vải che và đồ trang trí với các hoa văn đậm, màu sắc tươi sáng trở nên thịnh hành.

Những năm 1960, các thiết kế nội thất retro có xu hướng màu mè hơn với các họa tiết tươi sáng, mờ ảo và các mảng màu đậm. Ở giai đoạn này, đồ trang trí điển hình là những chiếc ghế đúc một mảnh hoặc ghế thổi hơi.

Đến những năm 1970, nội thất có sự thay đổi về kích thước. Chúng lớn hơn, cồng kềnh hơn nhưng đi kèm với đó là chỉn chu hơn. Tông màu đất trở thành tông màu phổ biến. Các màu như bơ, vàng lúa chín, cam, nâu đất,...trở thành xu hướng lúc bấy giờ.

Trong giai đoạn 1980, phong cách retro bị ảnh hưởng bởi trang trí nghệ thuật. Màu xanh lam và màu hoa cà - những màu gợi nhớ đến miền Tây Nam là hai gam màu nổi bật trong các thiết kế. Gương, tủ đựng quần áo món đồ đặc trưng của đồ nội thất những năm 1980.

2. Phong cách thiết kế Retro trong đời sống 

2.1. Định nghĩa Phong cách thiết kế Retro 

Phong cách nội thất Retro là biểu tượng của sự hoài cổ một cách cuốn hút, nghệ thuật. Phong cách tượng trưng cho sự đơn giản, tinh tế nhưng không kém phần hiện đại, quyến rũ.

2.2. Nội thất Retro hiện đại 

Retro theo thời gian đã có nhiều sự thay đổi. Đến thế kỷ 21, Retro cũng rất khác so với khái niệm đời đầu. Vì diện tích nhà hạn hẹp nên việc sử dụng màu sắc cần tiết chế hơn. Sắc thái màu cũng giảm bớt, tránh gây chói mắt. Các tông màu pastel, trắng dần được sử dụng nhiều hơn. Đồ nội thất cũng độc đáo hơn do sự sáng tạo không ngừng của giới trẻ.

3. Đặc trưng của phong cách Retro

3.1. Màu sắc

Phong cách Retro sử dụng các gam màu tối, đậm như đỏ, xanh, đen, nâu đất,...Ngoài ra bạn có thể bắt gặp các tông màu nổi bật khác như xanh bơ, vàng lúa chín,...hoặc là lựa chọn những tông màu màu be, màu xanh lục bảo, màu mận, màu navy,…Cách kết hợp này vừa tạo nên vẻ đẹp quý tộc, hoài cổ nhưng cũng mang nét hoang dại của thiên nhiên. Nếu bạn là người ưa thích sự nhẹ nhàng, liệu bạn có thể theo đuổi phong cách này? Câu trả lời là: Có. Các tông màu pastel kết hợp với màu trắng cũng là một lựa chọn của retro. 

Phong cách này tập trung vào sự phối màu, kết hợp hài hòa những gam màu tưởng chừng đối lập nhau. Sự hòa quyện màu sắc một cách có tính toán tạo nên không gian sống vừa cá tính, vừa trang nhã, lịch sự. Màu sắc cũng như cách phối màu retro thay đổi theo từng giai đoạn:

  • Những năm 1950, người ta thường kết hợp màu sắc nổi bật với màu sáng hoặc kết hợp màu xanh nhạt, mận và đen cùng nhau.

  • Những năm 1960, các gam màu tươi sáng lên ngôi, sự kết hợp trở nên ngẫu hứng hơn, tạo nên một không gian bắt mắt, rực rỡ

  • Những năm 1970, phong cách retro chuyển sang các gam màu trung tính. Bên cạnh đó xu hướng nhạc disco nổi lên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến phong cách này. Do đó màu trắng bạc và vàng bắt đầu xuất hiện với tần suất lớn. 

3.2. Ánh sáng

Trong sắp xếp nội thất, ánh sáng là một yếu tố không thể bỏ qua. Nó giúp cho không gian trở nên lung linh hơn. Với những phong cách nội thất đặc trưng, việc bố trí đèn trần hay đèn sàn đều phải được bố trí cẩn thận.

Bên cạnh đó, gia chủ cũng nên tận dụng ánh sáng tự nhiên để giúp cho không gian được thoáng đãng, thoải mái. Để có thể đón được nhiều ánh năng nhất có thể, người ta thường sử dụng cửa sổ vòm rộng, cửa sổ cánh thay vì những mảng kính lớn. 

3.3. Đồ nội thất

Không gian retro là một bảng màu rực rỡ nên đồ nội thất cần phải đơn giản tinh tế. Nó mang vẻ đẹp đặc trưng và tinh túy của thời gian kết hợp với hơi thở hiện đại ngày nay. Chỉ cần bạn khéo léo kết hợp tông màu cùng cách trang trí là đã có một không gian đậm chất retro. 

Vật dụng quen thuộc khiến bạn liên tưởng ngay đến phong cách này là thảm lông xù, vải nhung vụn, giấy dán tường, rèm cửa,...Điểm nổi bật chính là các họa tiết hoa văn trên đó phải cực kỳ sắc nét, đậm đà. 

3.4. Tranh trang trí, phụ kiện

Không gian trang trí theo phong cách retro thường được phân chia thành các ngăn nhỏ và sử dụng nhiều vật trang trí chi tiết. Các bức tranh nhỏ giúp bức tường trở nên bắt mắt hơn. 

Phong cách này cũng chuộng những vật dụng mang hơi hướng cổ điển, nhuốm màu thời gian như màu của gỗ đã rờn lớp vecni, đồ lưu niệm độc đáo hay một tấm thảm. Các vật có chất liệu kim loại không quá sáng, có một chút rỉ sét, trầy xước cũng là một lựa chọn thích hợp. 

3.5. Tường

Để có thể làm nền cho một không gian rực rỡ sắc màu như retro, những bức tường nên có tông màu trắng hoặc trắng ngà. Đó là sự lựa chọn an toàn cho những người thích chơi hệ sắc màu. Nếu bạn có mắt thẩm mỹ và ưa thích sự táo bạo, phá cách thì hãy thử sức với những giấy dán tường với họa tiết lớn. Sự mạo hiểm này sẽ mang đến một kết quả trên cả tuyệt vời. 

4. Phân biệt phong cách Retro và phong cách Vintage

Nhiều người nhầm lẫn giữa phòng cách Retro và phong cách Vintage. Sở dĩ xảy ra vấn đề này vì cả hai đều hồi tưởng về quá khứ. Tuy nhiên nội thất Vintage thường mang đậm dấu ấn thời gian, người ta hay sử dụng các món đồ đã qua sử dụng. Trong khi đó Retro là sự pha trộn giữa cổ điển và hiện đại. Đồ nội thất mới 100% nhưng được thiết kế khéo léo, tinh tế để toát lên sự hoài cổ. 

Phong cách Vintage dùng chi tiết trang trí như giấy dán tường, thảm trải sàn, sàn gỗ. Tone màu chủ đạo của phong cahcs này là pastel nhẹ nhàng, tươi sáng. Trong khi đó phong cách retr dùng tranh ảnh để trang trí. Không gian là sự pha trộn xen kẽ giữa các tông màu nóng lạnh, nhẹ nhàng đậm đà. Nói một cách dễ hiệu, vintage cho thấy sự nhẹ nhàng thì retro lại thấy sự mạnh mẽ.

5. Ứng dụng phong cách Retro trong thiết kế nội thất

5.1. Phòng khách Retro

Phòng khách là căn phòng có không gian rộng nhất và là căn phòng đầu tiên khi bước vào ngôi nhà. Vì vậy việc trang trí phòng khách cần được trau chuốt, tỉ mỉ hơn. Với diện tích rộng rãi, gia chủ có thể thỏa thích sáng tạo, đặc biệt với phong cách có hệ màu sắc đa dạng như Retro. 

Các màu sắc như vàng, đỏ đun, xanh,...cho đệm sofa, gối tựa sẽ giúp không gian trở nên sinh động. Các màu nhẹ nhàng hơn như kem, trắng sẽ phù hợp với các mảng tường. Bạn có thể sử dụng giấy dán tường với nhiều hoa văn màu sắc để làm điểm nhấn cho không gian.

Phòng khách cũng là nơi có thể đón nhận nhiều ánh sáng nhất. Đây là yếu tố khiến màu sắc của Retro được nổi bật. Bạn có thể tận dụng ánh sáng tự nhiên với khung cửa sổ rộng, thoáng hoặc lắp đặt các hệ thống đèn trong nhà giúp tăng thêm nét hoài cổ cho căn phòng. 

Nội thất bàn, ghế, kệ tủ…trong một phòng khách đậm chất Retro nên có thiết kế thanh thoát, nhẹ nhàng. Đây là sự kết hợp giữa vẻ đẹp cổ điển và hiện đại giúp không gian trở nên mềm mại nhưng không kém phần sang trọng.

Những chất liệu ren, cotton, voan cũng được sử dụng nhiều trong đồ nội thất Retro. Ngoài ra nội thất gỗ là những món đồ không thể thiếu trong phong cách này.

5.2. Phòng ngủ Retro

Những khung tranh ảnh là đồ vật hay được sử dụng trong phòng ngủ retro. Chủ đề bức ảnh đa dạng, từ trừu tượng đến đơn giản, thậm chí ảnh ca sĩ, hay bất kỳ bức ảnh nào mà gia chủ thích. Chỉ cần bạn lựa chọn và sắp xếp chúng sao cho màu sắc hài hòa nhất. Tone màu chủ đạo của phòng ngủ mà người yêu retro hay lựa chọn là màu xanh. Góc làm việc được tạo điểm nhấn bằng việc sử dụng những tờ báo cũ làm background. Đây chính là nét đẹp cổ xưa, hoài niệm của căn phòng.

Một cách đơn giản hơn là bạn có thể thiết kế phòng ngủ màu tường nhã nhặn hơn. Điểm nhấn của phòng sẽ tập trung vào bộ chăn, ga, gối nhiều màu sắc rực rỡ. 

Gợi ý khác trong việc trang trí phòng ngủ theo phong cách retro là sử dụng tone màu hồng, cam làm chủ đạo. Hai gam màu rực rỡ nếu được phân chia thành các khu vực, hình khối sẽ tạo nên một không gian đầy tính nghệ thuật. 

5.3. Phòng bếp Retro 

Nếu bạn là một fan cuồng phong cách retro, chắc chắn không thể bỏ qua sự kết hợp không thể thiếu giữa bàn ăn và không gian bếp. Trong bếp vốn đã có những vật dụng kim loại nên gia chủ càng dễ dàng biến hóa không gian theo phong cách này. 

Phòng bếp retro những năm 50 có sự kết hợp màu sắc tương phản giữa sàn nhà, gạch ốp trang trí. Việc kết hợp tông màu pastel nhẹ nhàng với những đồ trang trí kim loại tạo nên phòng bếp không hề lỗi thời trong không gian nhà bạn.

Với những người ưa thích màu vàng thì có thể sử dụng gam màu này để làm tone màu chủ đạo để trang trí cho căn bếp. Tông màu này sẽ khiến không gian bếp trở nên ấm cúng. Điểm xuyết thêm một số vật dụng màu nâu và cây cảnh nhỏ sẽ làm căn phòng trở nên retro hơn. 

6. Tips để biến căn phòng theo phong cách Retro

6.1. Sử dụng giấy dán tường thay vì sơn tường

Những bức tường trơn có thể không toát lên được sự độc đáo, cá tính trong nội thất Retro. Trong trường hợp này, giấy dán tường sẽ là lựa chọn phù hợp. Các mẫu giấy dán có họa tiết hoa lá cùng màu sắc tươi sáng sẽ trở thành điểm nhấn cho không gian sống.

Ngoài họa tiết hoa lá thì họa tiết hình học hay kẻ sọc cũng là lựa chọn không tồi. Kiểu họa tiết đơn giản này phù hợp với những căn phòng nhỏ. Ngoài ra, bạn nên chọn tông màu sáng để tăng thêm diện tích cho căn phòng về mặt thị giác. Giới trẻ thường có xu hướng trang trí tường bằng những tấm poster kiểu cũ.

6.2. Tìm đồ nội thất, đồ trang trí có thiết kế độc đáo

Là một phong cách độc đáo, chắc chắn bạn không thể sử dụng những đồ nội thất đơn thuần, kiểu dáng quen thuộc, thô cứng. Hãy chịu khó tìm kiếm những món đồ độc lạ. Đồ nội thất có thể không cần quá mix-match với nhau. Đa dạng đồ nội thất cũng là cách để thổi một không khí retro vào phòng.

6.3. Tìm đến một số món đồ vintage

Điểm chung của Retro và Vintage đều là hướng về quá khứ vì vậy những món đồ hơi hướng Vintage sẽ là một điều không thể thiếu trong phong cách Retro. Các món đồ đó có tuổi thọ khoảng 20 - 100 năm nên riêng nó đã đủ nhuốm màu thời gian. Các vết xước, sờn, cũ kỹ chính là minh chứng của dòng thời gian trong một không gian đầy hiện đại. 

6.4. Chú ý về cách phối màu

Không gian đầy màu sắc là đặc trưng của phong cách Retro. Tuy nhiên bạn không nên quá lạm dụng điều này bởi nó có thể gây rối mắt và khiến căn phòng trở nên chật chội. Vì vậy bạn nên chú ý tông màu và cách phối màu để không gian Retro của mình trông không quá o ép.

Nếu căn phòng có diện tích nhỏ, thay vì tập trung vào họa tiết thì bạn nên chuyển sang sử dụng các tông màu sáng. Họa tiết thay vì tập trung trên tường thì có thể nhân vào các chi tiết nhỏ hơn như gối, thảm. Dù là sự pha trộn các tông màu sắc nét nhưng không nên quá đối chọi hay tương phản quá nhiều. Điều này chỉ thích hợp cho những không gian rộng thoáng mà thôi.

Qua bài viết trên, hi vọng các bạn đọc đã có những thông tin hữu ích về phong cách Retro nói chung và phong cách thiết kế Retro nói riêng. Chúc các bạn thành công trong việc trang hoàng lại căn phòng của mình với phong cách “cũ mà mới”, “hoài niệm mà độc đáo” này.

Đăng ký tư vấn báo giá

Bài viết liên quan